logo

ĐIỀU LỆ

CÂU LẠC BỘ KHOA-TRƯỜNG-VIỆN

CÔNG NGHỆ THÔNG TIN – TRUYỀN THÔNG VIỆT NAM

Điều khoản đầu tiên

Câu lạc bộ Khoa-Trường-Viện Công nghệ Thông tin – Truyền thông Việt Nam, gọi tắt là FISU Việt Nam (tên quốc tế theo tiếng Anh là Vietnam Association of ICT Faculties-Institutes-Schools-Universities, viết tắt là FISU Vietnam), là một Chi hội thuộc Hội Tin học Việt Nam, thành lập năm 2018, được các thành viên tự nguyện thành lập trên cơ sở tiếp thu và chia sẻ các tư tưởng của cộng đồng đào tạo và nghiên cứu CNTT – TT tại Việt Nam, với mong muốn là nơi tụ hội, kết nối, định hướng, chia sẻ về đào tạo và nghiên cứu, để có tiếng nói chung tham gia vào các hoạt động phát triển giảng dạy, đào tạo  và nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT - TT của nước nhà, mang lại lợi ích chính đáng cho các thành viên, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội, góp phần đưa Việt Nam sánh vai các cường quốc CNTT-TT trên thế giới.

Khi điều kiện cho phép, FISU Việt Nam sẽ xúc tiến thành lập tổ chức có pháp nhân Câu lạc bộ/ Hội Khoa - Trường -Viện Công nghệ Thông tin – Truyền thông Việt Nam, có tư cách pháp nhân, hoạt động theo nguyên tắc phi chính phủ, phi lợi nhuận, tuân thủ Luật pháp Việt Nam.

 

Phần 1: Tôn chỉ, mục đích

Điều 1: FISU Việt Nam

Câu lạc bộ Khoa-Trường-Viện Công nghệ Thông tin – Truyền thông Việt Nam (FISU Việt Nam) là một chi hội thuộc Hội Tin học Việt Nam, tuân thủ tôn chỉ, mục đích và Điều lệ của Hội.

FISU Việt Nam thực hiện tất cả các hoạt động liên quan đào tạo nguồn lực CNTT-TT, nghiên cứu, triển khai, chuyển giao và dịch vụ CNTT-TT dưới các hình thức khác nhau, theo quy định của pháp luật và điều lệ Hội Tin học VN, phù hợp với năng lực của các thành viên cá nhân, thành viên tập thể mà FISU Việt Nam huy động được.

FISU Việt Nam hoạt động dưới nhiều hình thức (có lợi nhuận hoặc phi có lợi nhuận), trong nhiều lĩnh vực (đào tạo, nghiên cứu, phát triển sản phẩm, phổ biến kiến thức, quảng bá, phân phối, dịch vụ, tư vấn), trên nhiều phạm vi, ở nhiều hình thái tổ chức linh hoạt, nhằm đề cao vai trò, tư tưởng, ảnh hưởng của đào tạo và nghiên cứu CNTT - TT tới xã hội hiện đại.

 

Phần 2: Tổ chức

 

Điều 2: Đại hội Đại biểu

Đại hội Đại biểu toàn quốc là cơ quan quyền lực cao nhất của FISU Việt Nam. Thời gian tổ chức Đại hội Đại biểu được quyết định tại các kỳ Đại hội, nhưng không quá 5 năm.  Cơ cấu đại biểu tham dự Đại hội do Ban Chấp hành quyết định.  Mỗi thành viên tập thể có tối đa 2 đại biểu chính thức tham dự đại hội đại biểu. Đại hội đại biểu được tiến hành hợp lệ khi có mặt trên 1/2 số lượng đại biểu được triệu tập.

Mọi quyết định của Đại hội phải được ít nhất 2/3 số đại biểu chính thức có mặt nhất trí.

Đại hội Đại biểu quyết định các vấn đề: sửa đổi Điều lệ, quy định tiêu chuẩn công nhận thành viên tập thể và cá nhân, quy định mức hội phí thành viên, thông qua báo cáo nhiệm kỳ bao gồm cả báo cáo tài chính, quyết định các định hướng hoạt động nhiệm kỳ sau, bầu Ban Chấp hành mới và thông qua Nghị quyết Đại hội.

 

Điều 3: Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký

Đại hội đại biểu toàn quốc bầu ra Ban Chấp hành Câu lạc bộ (viết tắt là BCH). BCH là cơ quan lãnh đạo cao nhất của FISU Việt Nam giữa hai kỳ Đại hội. BCH họp thường lệ mỗi năm ít nhất 1 lần.

Trong thời gian giữa hai kỳ Đại hội, việc thay đổi, bổ sung hoặc thay thế uỷ viên trong BCH phải được hơn 2/3 số uỷ viên BCH biểu quyết tán thành.

Số lượng uỷ viên BCH được bổ sung hoặc thay thế nhiều nhất bằng 1/5 số lượng uỷ viên BCH đã được Đại hội ấn định cho mỗi nhiệm kỳ.

BCH bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Tổng thư ký. Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Tổng thư ký là thành viên của Ban Thường vụ (viết tắt là BTV). Số lượng thành viên BTV không vượt quá 1/3 số lượng Ủy viên BCH.

BCH có trách nhiệm thay mặt Đại hội quyết định cơ cấu, tổ chức và bố trí nhân sự và điều hành các Ban chuyên môn và Ban Thư ký; ban hành Quy chế Hội viên, Quy chế hoạt động của các Ban chuyên môn và Ban Thư ký và các văn bản hướng dẫn thi hành Điều lệ; kiểm tra giám sát hoạt động của các Ban chuyên môn và Ban Thư ký.

BCH có trách nhiệm chuẩn bị Đại hội Đại biểu toàn quốc.

Giúp việc cho BCH là các Ban chuyên môn (Ban Đào tạo, Ban Nghiên cứu Triển khai, Ban Hợp tác Phát triển, Ban Hội nghị và Sự kiện,…) và Ban Thư ký.

Nguyên tắc làm việc của BCH

a) BCH hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số.

b) BCH ban hành các quyết định và nghị quyết để thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

c) Cuộc họp của BCH được xem là hợp lệ khi có trên 1/2 (một phần hai) số lượng uỷ viên BCH tham dự.

d) Biểu quyết trong BCH theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì quyết định theo Chủ tịch hoặc người chủ trì cuộc họp.

e) Việc biểu quyết có thể tiến hành bằng nhiều hình thức khác nhau: giơ tay, bỏ phiếu kín, gửi thư, qua mạng Internet, v.v... Hình thức cụ thể do Ban Thường vụ quyết định.

BTV  là cơ quan thường trực của BCH, thay mặt BCH triển khai nghị quyết của Đại hội, các nghị quyết, quyết định của BCH và điều hành công việc của FISU Việt Nam giữa hai kỳ họp BCH; phê duyệt chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký và các Ban chuyên môn (Ban Đào tạo, Ban Nghiên cứu Triển khai, Ban Hợp tác Phát triển, Ban Hội nghị và Sự kiện); quyết định việc cấp thẻ thành viên; kết nạp, khai trừ thành viên tập thể và công nhận, thôi công nhận thành viên cá nhân, thành viên danh dự; quyết định khen thưởng, kỷ luật hội viên theo quy định của Điều lệ FISU Việt Nam và quy định của pháp luật.

Chủ tịch FISU Việt Nam là đại diện chịu trách nhiệm trước pháp luật của FISU Việt Nam có các nhiệm vụ triệu tập, chủ trì các cuộc họp BCH và BTV; đại diện cho FISU Việt Nam trong các hoạt động đối nội, đối ngoại trong và ngoài nước; ký các văn bản giao dịch đối ngoại của FISU Việt Nam, các quyết định, nghị quyết của BCH, BTV FISU Việt Nam; ký quyết định thành lập và giải thể các Ban chuyên môn trực thuộc FISU Việt Nam và bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự chủ chốt của các Ban chuyên môn này.

Phó Chủ tịch FISU Việt Nam là người giúp việc cho Chủ tịch, được BCH phân công phụ trách một số mặt hoạt động của FISU Việt Nam và chịu trách nhiệm trước BCH về các mảng công việc được phân công. Trong trường hợp được Chủ tịch FISU Việt Nam ủy quyền thì chịu trách nhiệm trước Chủ tịch và BCH về các công việc được ủy quyền.

Tổng thư ký FISU Việt Nam giúp BCH điều hành hoạt động của Ban Thư ký và chịu trách nhiệm trước BCH về quản lý các hoạt động của của Ban Thư ký.

Điều 4: Ban Kiểm tra

Ban Kiểm tra được Đại hội đại biểu bầu với số lượng ủy viên do Đại hội quyết định. Ban Kiểm tra hoạt động độc lập với BCH, có trách nhiệm thay mặt toàn thể thành viên kiểm tra các hoạt động của BCH, của Ban Thư ký và các Ban chuyên môn căn cứ vào Điều lệ của FISU Việt Nam và Pháp luật hiện hành.

 

Điều 5: Ban thư ký

Ban Thư ký được BCH tuyển dụng và bổ nhiệm có thời hạn, là bộ phận chịu trách nhiệm các hoạt động thường xuyên của FISU Việt Nam theo pháp luật, chịu trách nhiệm theo chức trách được BCH giao. Ban Thư ký được đề xuất hoặc được tuyển dụng lao động theo quy định của BCH.

 

Điều 6: Phạm vi

FISU Việt Nam  hoạt động trong phạm vi cả nước, tham gia các hoạt động quốc tế, có trụ sở tại Hà Nội và văn phòng đại diện tại các địa phương theo quy định của pháp luật.

 

Điều 7: Tài chính

FISU Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chủ về tài chính. Tài chính của FISU Việt Nam có nguồn từ đóng góp của các thành viên, các nguồn tài trợ và tích tụ từ các hoạt động xã hội, một phần hỗ trợ của Hội tin học VN,  có tài sản riêng, chế độ tài chính tuân thủ theo quy định của pháp luật.

 

Điều 8: Đại hội bất thường và sửa đổi Điều lệ

1. Đại hội bất thường phải được BCH triệu tập khi có ít nhất 1/3 số thành viên tập thể yêu cầu để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền Đại hội. Đại biểu dự đại hội bất thường với số lượng và cơ cấu phân bổ như kỳ đại hội trước đó đã xác định và do BCH đề xuất.

2. Điều lệ chỉ được sửa đổi khi 2/3 số thành viên chính thức có mặt tại Đại hội đại biểu thường kỳ hoặc Đại hội bất thường biểu quyết thông qua, sau đó phải được Hội Tin học Việt Nam công nhận.

 

Phần 3: Thành viên

 

Điều 9: Đối tượng và thủ tục kết nạp

FISU Việt Nam có các thành viên tập thể và thành viên cá nhân, tự nguyện, tán thành tôn chỉ mục đích, tuân thủ Điều lệ và Quy chế Hội viên, không bị luật pháp hạn chế, đạt tiêu chuẩn và được BCH công nhận, hoàn thành tốt các hoạt động tham gia dưới danh nghĩa FISU Việt Nam. Thành viên tập thể là các Khoa, Trường, Viện đào tạo và nghiên cứu về CNTT-TT. Mỗi thành viên tập thể Khoa, Trường, viện có 1 đại diện làm đầu mối liên hệ trong các hoạt động của FISU Việt Nam. Thành viên cá nhân là những chuyên gia có uy tín, có kinh nghiệm và tâm huyết với công việc đào tạo, nghiên cứu CNTT-TT, có nguyện vọng tham gia FISU Việt Nam và được Ban Thường vụ chấp thuận.

Đăng ký gia nhập và thủ tục kết nạp thành viên FISU Việt Nam thực hiện theo qui trình được mô tả trong Quy chế Hội viên do BCH thông qua.

 

Điều 10: Quyền và nghĩa vụ

Thành viên có quyền và nghĩa vụ truyền bá kiến thức, kinh nghiệm về đào tạo và nghiên cứu CNTT - TT, đóng hội phí hàng năm theo quy định, tham gia vào các hoạt động của FISU Việt Nam và Hội Tin học VN.

 

Điều 11: Ra khỏi FISU Việt Nam

1. Rút tên: thành viên có quyền xin rút tên khỏi FISU Việt Nam. Để rút tên, thành viên phải làm đơn và gửi cho Ban Thư ký FISU Việt Nam. Việc rút tên thành viên do BTV quyết định trên cơ sở ít nhất 2/3 số ủy viên tán thành. Quyết định xóa tên thành viên được gửi cho thành viên trong thời hạn 1 tuần. Trước đó, thành viên phải bàn giao lại cho Ban Thư ký tất cả các tài sản, tài liệu của FISU Việt Nam mà thành viên hiện nắm giữ (nếu có).

2. Khai trừ: thành viên bị khai trừ khi không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ ở điều 10, hoặc vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng xấu tới FISU Việt Nam hoặc bị pháp luật hạn chế. Việc khai trừ thành viên do BCH quyết định trên cơ sở ít nhất 2/3 số ủy viên tán thành.

 

Phần 4: Hoạt động

 

Điều 12: Hoạt động xã hội nghề nghiệp

FISU Việt Nam thực hiện, đề xuất hoặc tham gia các hoạt động của Hội Tin học VN có liên quan tới  giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu CNTT-TT trong nước và quốc tế, kể cả việc huy động nguồn lực xã hội để xây dựng năng lực phát triển và ứng dụng CNTT- TT theo hướng bản địa hóa, phát triển sản phẩm đặc thù, các sản phẩm đóng góp trở lại cho cộng đồng giảng dạy, đào tạo  và nghiên cứu CNTT-TT trên thế giới.

 

Điều 13: Hoạt động pháp nhân

Thực hiện tất cả các hoạt động liên quan tới giảng dạy, đào tạo  và nghiên cứu CNTT - TT dưới các hình thức theo quy định của pháp luật, phù hợp với năng lực của các thành viên cá nhân hoặc tập thể mà FISU Việt Nam huy động được.

FISU Việt Nam hoạt động với tư cách là một chi hội của Hội Tin học Việt Nam, tuân thủ điều lệ và nội quy của Hội.

Trong thời kỳ chưa có pháp nhân, hoạt động với tư cách là một chi hội thuộc Hội Tin học Việt Nam, được Hội Tin học Việt Nam ủy quyền cho sử dụng dấu và tài khoản của Hội Tin học Việt Nam để hoạt động theo quy định của Hội và theo quy định của pháp luật hiện hành.

 

Điều 14: Giải thể

Việc giải thể FISU Việt Nam do Đại hội Đại biểu toàn quốc quyết định với sự tán thành của ít nhất 2/3 số đại biểu chính thức có mặt. Việc giải thể FISU Việt Nam chỉ được hoàn tất sau khi các nghĩa vụ đã được thực hiện và được Hội Tin học Việt Nam ra quyết định chuẩn y.

 

Điều 15: Hiệu lực thi hành

Điều lệ có hiệu lực thi hành từ khi được Hội Tin học Việt Nam ra quyết định công nhận./.