logo

Vừa qua, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp-Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông Việt-Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN), Chủ tịch CLB mạng lưới trường, viện đào tạo CNTT của khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã tham dự Toạ đàm trực tuyến “Quảng bá chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo (AI)”.

Hiệu trưởng VKU (ngoài cùng hàng 1) 

tham dự Toạ đàm về AI

Chương trình quy tụ các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực CNTT như: GS. Vũ Hà Văn - Giám đốc Khoa học Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn Vingroup (VinBigdata); GS. Hồ Tú Bảo - Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học Dữ liệu, Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán; GS. TS Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Câu lạc bộ FISU Việt Nam; PGS. TS Trần Minh Triết, Phó Hiệu trưởng Trường Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh…

Toạ đàm quy tụ nhiều chuyên gia

hàng đầu trong lĩnh vực CNTT 

Đây là Chương trình trong chuỗi sự kiện hưởng ứng, triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 của Chính phủ vừa ban hành nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, đưa Việt Nam trở thành “điểm sáng” về AI của khu vực và thế giới.

Phát biểu tại Toạ đàm, Hiệu trưởng VKU Huỳnh Công Pháp đã khẳng định sứ mệnh của VKU là trường ĐH công lập đầu tiên, duy nhất của khu vực miền Trung-Tây Nguyên đang nỗ lực không ngừng phát triển theo mô hình quản trị ĐH tiên tiến, vươn tầm quốc tế.

VKU chủ động, tiên phong đào tạo

nhân lực chất lượng cao phục vụ 

chiến lược phát triển CNTT, AI 

Với sự quan tâm, ủng hộ, đầu tư của hai Chính phủ Việt Nam-Hàn Quốc, VKU luôn chủ động, tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành mũi nhọn trong lĩnh vực CNTT, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, trong đó lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng AI, nền tảng của Cách mạng Công nghiệp 4.0 được Nhà trường đặc biệt quan tâm.

VKU chủ trì tổ chức Hội thảo quốc tế

trực tuyến về Trí tuệ nhóm ICCCI 2020

(Ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19)

Từ năm học 2021-2022, VKU tuyển sinh đào tạo chuyên ngành mới là Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, đồng thời mở các ngành ứng dụng, chuyển đổi số gắn với thương mại điện tử, kinh tế số, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của thành phố Đà Nẵng (trong Chiến lược xây dựng đô thị “thông minh”, chính quyền điện tử, trung tâm đổi mới sáng tạo khởi nghiệp), các địa phương, doanh nghiệp của khu vực miền Trung-Tây Nguyên cũng như cả nước.

Nhà trường chú trọng mở rộng hợp tác với nhiều tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước để triển khai đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu phát triển trong đó có các dự án thuộc lĩnh vực AI.

VKU kết nối, tăng cường phát triển 

hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp 

(Ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19)

VKU đang nỗ lực hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh theo hướng chuyên sâu phát triển một hướng ứng dụng cụ thể của AI như nhóm nghiên cứu VKU tập trung xử lý ngôn ngữ tự nhiên, đặc biệt là tiếng Việt, ứng dụng AI trong thương mại điện tử cũng như nâng cao khả năng tương tác giữa thiết bị, robot và con người, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp chia sẻ.

Đến VKU để theo đuổi ước mơ, đam mê

khám phá để thành công trong kỷ nguyên số 

Tại Toạ đàm, các chuyên gia tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và “hiến kế” cho các mục tiêu lớn như: Đào tạo nhân lực trong lĩnh vực AI, Nghiên cứu phát triển và ứng dụng AI...

Những nỗ lực của cộng đồng AI trong đó có VKU với vai trò chủ động, tiên phong đón đầu xu thế để chuyển động cùng Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ góp phần để những mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về AI đến năm 2030 của Chính phủ sớm thành hiện thực.